(PLO)- Tình trạng uống rượu bia quá mức mỗi lần sử dụng là mối quan ngại ở Việt Nam.
Theo Báo cáo Toàn cầu năm 2024 về Đồ uống có cồn và Sức khỏe và Điều trị rối loạn sử dụng chất gây nghiện (GSRAH) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng uống quá mức mỗi lần sử dụng (HED) vẫn là mối quan ngại ở Việt Nam, chiếm 55,5% những người đang sử dụng đồ uống có cồn và chiếm 30,9% trong tổng dân số.
Bên cạnh HED, Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề xung quanh lái xe sau khi uống rượu bia và tiêu thụ rượu, bia phi chính thức.
Điều này nhấn mạnh tính cấp thiết cho việc giáo dục tập trung vào thanh thiếu niên, giải quyết bối cảnh xã hội mà tình trạng sử dụng tới mức gây hại có khả năng xảy ra nhất.
Kế hoạch Hành động Toàn cầu về đồ uống có cồn của WHO được các quốc gia thành viên bao gồm Việt Nam ủng hộ, hướng tới giảm thiểu việc sử dụng đồ uống có cồn tới mức gây hại, hiện đã có nhiều tiến triển. Từ năm 2010 đến năm 2019, tỉ lệ tử vong do lạm dụng rượu, bia trên 100.000 người đã giảm 20,2% trên toàn cầu.
Báo cáo năm 2025 của Liên minh Rượu mạnh và Rượu vang Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (APISWA) với tiêu đề “Giảm thiểu sử dụng đồ uống có cồn đến mức gây hại thông qua hợp tác chiến lược: Lộ trình hướng tới năm 2030”, cũng cho thấy các ví dụ điển hình về cách toàn xã hội đang hành động để giảm thiểu tác hại liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn.
Theo các chuyên gia, ngoài các thể chế pháp luật thì một trong những giải pháp giúp giảm tác hại của đồ uống có cồn là nâng cao ý thức khi sử dụng.
Ông Tim Wallwork, Chủ tịch Liên minh Rượu mạnh và Rượu vang Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (APISWA) cho rằng: “Giáo dục nên trao quyền chứ không phải hạn chế. Thay vì chỉ tập trung vào ngăn cấm, chúng ta có thể phát triển các sáng kiến mới trang bị cho người trẻ tuổi kiến thức và sự tự tin để đưa ra những lựa chọn sáng suốt liên quan đến sử dụng đồ uống có cồn”.
Theo đó, để nâng cao ý thức sử dụng cồn, nhất là để chạm đến đối tượng thanh thiếu niên thì theo chuyên gia việc giáo dục phải năng động, phù hợp với văn hóa và có sự tương tác.
APISWA đã chỉ ra nhiều cách nâng cao ý thức sử dụng nồng độ cồn như thông qua kỹ thuật số, học tập theo trò chơi, câu đố hay tổ chức những buổi chia sẻ trực tuyến, trực tiếp về câu chuyện thực tế về tác hại khi sử dụng đồ uống có cồn chưa đủ tuổi…
Cạnh đó các tổ chức có thể lan tỏa chiến dịch thông qua mạng xã hội ví dụ như video ngắn sôi động trên các nền tảng như TikTok hoặc Instagram, nơi những người trẻ tuổi có sức ảnh hưởng chia sẻ các mẹo về cách uống điều độ tại lễ hội hoặc tiệc bãi biển.
Lấy một ví dụ, APISWA cho biết, Câu lạc bộ Liên đoàn ô tô quốc tế đã phối hợp với các Hiệp hội Ô tô Việt Nam và các quốc gia khác như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan phát động chiến dịch “Sức mạnh của nói Không”.
Chiến dịch đã tiếp cận được hơn 40 triệu người trẻ Đông Nam Á trong việc lan tỏa văn hóa “nói Không với lái xe sau khi uống rượu bia”, đồng thời bình thường hóa thói quen uống có trách nhiệm.
Với APISWA, đơn vị này cũng đưa ra nhiều tài liệu hữu ích, dễ tiếp cận như trang web và trang Facebook Uống có Trách nhiệm Châu Á Thái Bình Dương để thông tin về đơn vị uống tiêu chuẩn, mẹo quản lý thói quen uống đồ thức uống có cồn. Cũng như tuyên truyền về lối sống lành mạnh, và có các bài kiểm tra nhận dạng rối loạn sử dụng đồ uống có cồn.
Ông Tim Wallwork cho rằng, thông qua giáo dục, chúng ta có thể thúc đẩy văn hóa uống điều độ, trách nhiệm và trao quyền cho người tiêu dùng để đưa ra những lựa chọn sáng suốt khi sử dụng đồ uống có cồn.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế không có ngưỡng nào là an toàn khi sử dụng rượu bia.
Trong trường hợp có uống, không nên quá hai đơn vị cồn/ngày (với nam), một đơn vị cồn/ngày (đối với nữ) và không uống quá 5 ngày/tuần. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
© Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
Giấy phép số: 636/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 28-12-2020
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Tổng biên tập: Mai Ngọc Phước
Website: https://plo.vn
Pháp Luật TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên Website này.
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Phát hành: (028) 3811 2421
Tổng đài: (028)3991 0101 – 3991 4701
Tiếp bạn đọc: 0982 000 333 – (028) 39 91 96 13 – Email: bandoc@phapluattp.vn
Liên hệ TT&QC: (028) 39914669 – Fax: (028) 39914606